Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Ngô Bá Công


16-05-2021

Chiều ngày 05/01/2021, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Ngô Bá Công với đề tài: Đặc trưng ngôn ngữ tạo hình trong tranh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2009 - 2017, chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, mã số: 9210101, do PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương và TS Phạm Văn Tuyến hướng dẫn.

Trong giai đoạn từ năm 2009 – 2017, tại Việt Nam đã có nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật thiếu nhi toàn quốc với chất lượng chuyên môn cao. Tuy nhiên, để đánh giá giá trị nghệ thuật của tranh vẽ thiếu nhi từ góc nhìn lý luận và phê bình mỹ thuật, các chuyên đề cho mục tranh thiếu nhi, các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tranh vẽ thiếu nhi hay những bài báo, sách giáo trình nghiên cứu tranh vẽ thiếu nhi còn ít, thậm chí là đang bị bỏ ngỏ.

Tranh vẽ của thiếu nhi Việt Nam cần được hiểu một cách thấu đáo, rõ ràng hơn, do đó một số câu hỏi nghiên cứu được đặt ra: Dựa trên cơ sở lý luận nào để đánh giá giá trị nghệ thuật của tranh thiếu nhi? Yếu tố ngôn ngữ tạo hình trong tranh thiếu nhi Việt Nam là gì và được biểu hiện ra sao? Đặc trưng ngôn ngữ tạo hình trong tranh thiếu nhi Việt Nam được phản ánh như thế nào, được bộc lộ bởi những nội hàm nghệ thuật nào?...

Trước yêu cầu của thực tiễn, NCS Ngô Bá Công đã lựa chọn hướng đề tài Đặc trưng ngôn ngữ tạo hình trong tranh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2009 - 2017” làm đề tài luận án tiến sĩ.

Đây là một đề tài mới, không trùng lặp với các đề tài luận án đã bảo vệ hoặc các công trình nghiên cứu đã công bố tới thời điểm hiện nay.

Luận án đã tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về tranh vẽ thiếu nhi Việt Nam. Luận án cũng đã đưa ra những lý thuyết áp dụng cho việc phân tích, đánh giá tranh vẽ của thiếu nhi Việt Nam giai đoạn từ 2009-2017.

NCS đã phân tích, phân loại tranh vẽ từ các triển lãm mỹ thuật thiếu nhi toàn quốc giai đoạn 2009- 2017, xác định đặc điểm ngôn ngữ tạo hình trong tranh vẽ được thể hiện qua các yếu tố như hình thái, màu sắc, bố cục, nét vẽ… Dựa trên cơ sở đó để luận bàn và chỉ ra những đặc trưng ngôn ngữ tạo hình trong tranh vẽ thiếu nhi Việt Nam. Luận án đã kết hợp các lĩnh vực như mỹ thuật học, tâm lý học và nghệ thuật học nhằm chứng minh một số yếu tố, tranh vẽ của thiếu nhi Việt Nam có tính quy luật, sự hồn nhiên và biểu cảm trong tranh thì giảm dần theo nhóm tuổi lớn hơn nhưng tính khoa học, nghệ thuật lại tăng lên.

Kết quả nghiên cứu của luận án đã chứng minh được tranh vẽ của thiếu nhi Việt Nam là các tác phẩm hội họa có đầy đủ các thành tố của nghệ thuật, có giá trị về nghệ thuật nói riêng và ý nghĩa trong cuộc sống, có đặc trưng riêng theo từng giai đoạn lứa tuổi. Tranh vẽ của thiếu nhi Việt Nam là đối tượng nghiên cứu của chuyên ngành Lý luận và lịch sử Mỹ thuật.

Ngoài phần Mở đầu (8 trang), Kết luận (3 trang), Tài liệu tham khảo (8 trang) và Phụ lục (36 trang), nội dung luận án gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan nghiên cứu về tranh thiếu nhi (43 trang)

Chương 2: Ngôn ngữ tạo hình trong tranh thiếu nhi (53 trang)

Chương 3: Luận bàn về kết quả nghiên cứu của luận án (54 trang)

NCS Ngô Bá Công đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Ngô Bá Công đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS Ngô Bá Công./.

Khoa GDMN xin chúc mừng NCS Ngô Bá Công!

Người đăng:Tuan Nguyen Manh
16-05-2021
Tokyo Olympics live stream